test



tuyendungtienghan.com
Văn hóa chào hỏi của người Hàn Quốc tuy không cầu kì như người Nhật nhưng ta cũng dễ dàng nhận thấy người Hàn Quốc rất chú trọng đến thái độ và cử chỉ khi chào hỏi.


Người Việt ta có câu: "Lời chào cao hơn mâm cỗ". Lời chào thể hiện tình cảm, sự quan tâm giữa các thành viên cùng sinh sống trong một cộng đồng. Văn hóa chào hỏi của tất cả các quốc gia trên thế giới tuy được biểu hiện qua các hình thức, ngôn ngữ khác nhau nhưng luôn chứng minh bản năng sinh tồn "một cách có văn hóa" của loài người: con người luôn tìm cách "thêm bạn, bớt thù" và lời chào chính là dấu hiệu để đón nhận cá nhân mới vào chung một cộng đồng.

Loài người thể hiện lời chào không chỉ bằng lời nói mà còn bằng điệu bộ, phong cách, cử chỉ. Bởi thế, văn hóa chào hỏi còn phản ánh phong cách con người, thuần phong mĩ tục của địa phương và dân tộc. 

Ở nước Anh - xứ sở sương mù, thời tiết luôn được bao phủ bởi lớp sương mù âm u nên những ngày nắng ấm luôn luôn được mong mỏi. Bởi thế, người Anh mới ghép từ Good (tốt) vào trước các danh từ Morning, Afternoon, Evening để hình thành câu chào. 
Đối với người Việt Nam, câu chào (Chào bác ạ!) còn có thể được chuyển thành câu hỏi (Anh, chị đi đâu đấy?) hoặc câu mời (Mời bác xơi cơm ạ!). Đi kèm với lời nói, người dưới khi chào người trên thường phải lễ phép, khoanh tay trước ngực để thể hiện sự kính trọng…

Trên thế giới, dân tộc cầu kì và cọi trọng lời chào nhất là Nhật Bản. Ngoài câu chào "오지기" (Ochigi) phổ biến mà chúng ta đều biết thì người Nhật tùy theo từng ngữ cảnh: khi gặp lần đầu tiên, khi chia tay, khi cảm ơn hoặc xin lỗi… lại có các cách thể hiện lời chào khác nhau. Đặc biệt, lời chào của người Nhật luôn nhất thiết phải đi cùng với nụ cười và động tác gập lưng, cúi đầu. Nếu để đối phương, nhất là người lớn tuổi cúi đầu trước sẽ là thất lễ.

Lời chào bằng tiếng Hàn "안녕하세요" ngày nay đã được cả thế giới biết đến. Nhưng hiếm có ai biết, lời chào này lại chứa đựng trong nó lịch sử đau thương của cả một dân tộc. Trải qua chiến tranh loạn lạc và sự thiếu thốn triền miên, con người ta trong một đêm có thể ra đi bất cứ lúc nào bởi lưỡi dao loạn lạc hay đơn giản chết vì cái đói. Vì thế, cứ buổi sáng tỉnh dậy, người Hàn Quốc lại dùng câu hỏi thay cho câu chào "밤새 안녕하셨습니까?", "안녕히 주무셨습니까?" (Đêm qua ông, bác, anh... ngủ có được bình an không ạ?). Từ "안녕" tiếng Hán (安寧) mang nghĩa là "an ninh" tức, trạng thái an toàn, không lo lắng, sợ hãi. Như vậy, đối với người Hàn Quốc, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là trạng thái an toàn, bình an vô sự.

Trong xã hội Hàn Quốc, ta thấy phổ biến nhất là cách nói "안녕하세요". (Có thể dịch là "Xin chào" trong tiếng Việt, hoặc "Hello" trong tiếng Anh). Từ cách nói này, có thể hỏi thăm người đối diện bằng các biểu hiện như: 안녕하신지요? 편안하신지요? (Ông/bà/bác... có được khỏe mạnh, bình an không?). Vì tiếng Hàn có đặc điểm hay lược bỏ chủ ngữ nên ta phải dựa vào từng ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp để thay đại từ nhân xưng cho phù hợp.

Không chỉ thế, khi chủ thể - người nói - ở trạng thái "tĩnh" (ở lại) muốn chào đối phương ở trạng thái "động" (đi) sẽ nói: "안녕히 가세요" (Chúc ông/bà/bác… lên đường bình an). Còn khi chủ thể ở trạng thái "động" (đi) muốn chào đối phương ở trạng thái "tĩnh" (ở lại) sẽ nói: "안녕히 계세요" (Chúc ông/bà/bác…ở lại mạnh giỏi). Đối với bạn bè hoặc người nhỏ tuổi, ta có thể thay đổi cách chào cho thân mật, gần gũi hơn như: 친구야, 안녕 (Chào bạn) / 안녕, 만나자 (Chào nhé! Lần sau mình lại gặp nhau).

Trong khi chào hỏi, người Hàn Quốc còn hay dùng từ 안부 (安否, an phủ) với nghĩa "lời hỏi thăm xem đối phương có được bình an hay không".

Ví dụ:
안부 전화.
Điện thoại hỏi thăm.
안부 편지.
Thư thăm hỏi.
안부를 묻다.
Hỏi thăm tình hình sức khỏe, công việc, cuộc sống nói chung.
아버님께 안부를 전해 주십시오.
Cho tôi gửi lời hỏi thăm tới cha bạn.
멀리 떠나 있는 사람의 안부가 궁금해진다.
Lo lắng cho tình hình của người đi xa.

Văn hóa chào hỏi của người Hàn Quốc tuy không cầu kì như người Nhật nhưng ta cũng dễ dàng nhận thấy người Hàn Quốc rất chú trọng đến thái độ và cử chỉ khi chào hỏi. Cũng giống như người Nhật, nụ cười và động tác gập lưng không thể thiếu trong văn hóa chào hỏi ở Hàn Quốc. Do sự thâm nhập của văn hóa phương Tây và sự phát triển của xã hội hiện đại mà ngày nay người ta có thể thay động tác gập lưng bằng cái cúi đầu nhẹ. Tuy nhiên, ở những trường hợp đặc biệt trang trọng hoặc muốn thể hiện sự kính trọng với người cao tuổi, người có chức vụ cao trong xã hội thì động tác gập lựng vẫn đặc biệt được coi trọng.

Tại Hàn Quốc, bài học đầu tiên của các nhân viên của các phòng Tiếp dân, các loại hình dịch vụ là học về cách chào khách hàng. Mỗi một nhân viên đều được đào tạo về ngữ điệu, phong thái, động tác, cử chỉ (gập lưng bao nhiêu độ là vừa phải, trong thời gian bao lâu…) một cách chi tiết và tỉ mỉ. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi đến bất cứ một siêu thị, ngân hàng hay cơ quan tiếp dân nào tại Hàn Quốc.

Nền kinh tế "phát triển thần kì" của Hàn Quốc không chỉ đặt mấu chốt ở chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà còn nằm ở "미소 전력" - chiến lược nụ cười. Nụ cười và thái độ lịch sự, thân thiện trong văn hóa chào hỏi không chỉ thể hiện sự tôn trọng, tình đoàn kết cộng động mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Hàn Quốc: Hiện đại, văn minh và chuyên nghiệp.

 Nguồn: Thông tin Hàn Quốc
 
Top