Một chuyên viên phụ trách mảng Hàn Quốc học của đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM (HUFLIT) cho biết hằng năm, có tới 90% số sinh viên tốt nghiệp khoa Hàn ở HUFLIT có ngay việc làm. Số còn lại học tiếp lên cao hoặc đi du học.
Lao động (LĐ) biết tiếng Hàn đang dễ kiếm được việc làm tại TP.HCM, đó là nhận định của nhiều cơ quan đào tạo và tuyển dụng.
Lương khá và cao giá
"Nhiều sinh viên mới học năm 3, năm 4 đã được doanh nghiệp đến tận nơi mời làm việc. Do đó ngành này luôn là một trong hai ngành hút sinh viên nhất ở khoa" - PGS.TS Hoàng Văn Việt (trưởng khoa Đông phương học, ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhìn nhận.
Ông Lê Huy Khoa (hiệu trưởng Trường Hàn ngữ Kanata) chia sẻ: "Trường chúng tôi thường xuyên nhận được nhiều yêu cầu cung cấp người biên phiên dịch cho các công ty Hàn Quốc nhưng phần lớn đều phải lắc đầu do không tìm ra người".
Với những ngành nghề như hướng dẫn viên, kỹ sư điện, kế toán... thì LĐ giỏi tiếng Hàn được trả lương cao, trên 1.000 USD/tháng. Còn bình thường mức lương của những người làm việc và biết tiếng Hàn để trao đổi trong công việc dao động 5-10 triệu đồng/tháng.
Không chỉ trong công việc mà cơ hội học tập cho người học ngoại ngữ này cũng rất lớn. Các trường cho biết học bổng hỗ trợ kinh phí, học bổng du học... ở ngành Hàn Quốc học luôn chiếm áp đảo so với các chuyên ngành khác. Ngoài nguồn học bổng nhà nước hoặc được các trường Hàn Quốc trực tiếp cấp, có thể kể đến những loại học bổng giá trị khác như: học bổng Lotte, học bổng Samsung, học bổng Keb, học bổng Bae...
Dòng chảy ngược
Thống kê ở thời điểm hiện tại toàn TP có khoảng 10 trường đại học, trung tâm dạy tiếng Hàn với số lượt người học trên 1.000 mỗi năm. Tuy nhiên, các trường đều cho biết có sự cách biệt lớn giữa số lượng đầu vào và ra. "Do tác động của làn sóng văn hóa Hàn, rất nhiều bạn trẻ chỉ vì thần tượng ca sĩ, diễn viên Hàn nên tò mò học cho biết chứ số người xác định học tiếng Hàn nghiêm túc không nhiều", ông Huy Khoa nhận định. Theo thống kê của Trường HUFLIT, trong ba năm gần đây tổng số lượng sinh viên đầu vào ngành Hàn Quốc học là 216 nhưng đầu ra "rơi rụng" chỉ còn 105.
Lao động Việt giỏi tiếng Hàn hiếm dẫn đến hiện tượng "dòng chảy ngược": LĐ Hàn qua VN học tiếng Việt và ở lại làm việc ngày một tăng. Hai năm gần đây, số lượng sinh viên Hàn theo học khoa Việt Nam học ở các trường trên địa bàn TP luôn chiếm áp đảo trên 80% so với sinh viên đến từ các nước khác.
Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hiện số người Hàn được cấp giấy phép LĐ ở TP.HCM là 3.168 trường hợp và năm sau có dấu hiệu tăng hơn so với năm trước. Ông Lee Chung Keun, chủ tịch Hội Hàn kiều tại TP.HCM, cho biết: "Chính phủ Hàn Quốc đang khuyến khích người dân đầu tư vào VN, đặc biệt là TP.HCM do những năm gần đây hiệu quả hợp tác về mọi mặt giữa Hàn Quốc và VN luôn đạt kết quả khả quan nhất so với các nước khác trong khu vực". Ông cũng xác nhận việc học tiếng Việt trở thành một xu hướng đang thịnh hành ở Hàn Quốc.
Những điều cần lưu ý
"Trước khi quyết định chọn tiếng Hàn, các bạn trẻ cần tỉnh táo để tránh trường hợp học theo phong trào như các ngoại ngữ Pháp, Nga trước đây" - đó là lời khuyên từ chị Ngọc Chung, chuyên viên nhân sự một tập đoàn lớn. Tương tự, PGS.TS Hoàng Văn Việt cũng lưu ý có thể tiếng Hàn chỉ là hiện tượng trong một khoảng thời gian nhất định. "Việc tiên đoán trước nhu cầu LĐ của xã hội, thời điểm bão hòa của môn ngoại ngữ này để định hướng đào tạo phù hợp là trách nhiệm của nhà trường, tuy nhiên người học cũng nên linh động xem xét tình hình" - ông nói.
Một yếu tố quan trọng nữa, theo ông, là LĐ cần tìm hiểu xem sẽ học được những kỹ năng gì khi làm việc cho doanh nghiệp Hàn. "Tôi thấy hiện phần lớn doanh nghiệp Hàn ở TP đều thuộc dạng nhỏ lẻ, số lượng tập đoàn lớn như Lotte, Samsung... chưa nhiều nên LĐ Việt sẽ khó có thể học được những kỹ năng quan trọng" - ông Việt nhận định.
Là một trong những người Việt đầu tiên tiếp xúc với thị trường LĐ Hàn, ông Lê Huy Khoa cho rằng người Hàn có tinh thần dân tộc rất cao nên những vị trí chủ chốt trong công ty hiếm khi nào được tin tưởng giao cho người nước ngoài. "Tuy cùng là người châu Á nhưng văn hóa doanh nghiệp Hàn và Việt hoàn toàn khác. Tính kỷ luật, chính xác và tốc độ làm việc rất quan trọng với họ. Họ thường đến sớm và về muộn hơn giờ quy định khoảng 30 phút, đó là điều không dễ làm với nhiều LĐ Việt" - ông đúc kết.