test

Người Hàn Quốc được dự đoán sẽ sống thọ nhất thế giới vào năm 2030, theo một nghiên cứu mới xuất bản trên The Lancet.


Tuổi thọ của người dân tất cả những nước công nghiệp đều có khả năng tăng lên vào năm 2030.


Nghiên cứu “Tuổi thọ trung bình trong tương lai của người dân 35 nước công nghiệp: Những phóng chiếu theo tập hợp mô hình Bayes” (Future life expectancy in 35 industrialised countries: projections with a Bayesian model ensemble) do V.Kontis và các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Hoàng gia London (Imperial College London) cộng tác với các đồng nghiệp tại Tổ chức Y tế thế giới WHO thực hiện. Họ phân tích dữ liệu về các xu hướng tuổi thọ và tử vong trong thời gian dài để dự đoán liệu tuổi thọ trung bình của con người thay đổi như thế nào tại 35 quốc gia công nghiệp vào năm 2030. Hội đồng nghiên cứu Y học Anh tài trợ cho nghiên cứu này.


Những nước được đề cập trong nghiên cứu bao gồm cả những nước có thu nhập cao như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Australia… và những nước mới nổi như Ba Lan, Mexico, CH Czech...


Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi thọ của người dân tất cả những nước này đều có khả năng tăng lên vào năm 2030, trong đó người Hàn Quốc sẽ đạt tuổi thọ cao nhất.


Qua ước lượng tuổi thọ khi sinh, nhóm nghiên cứu dự đoán một bé gái sinh tại Hàn Quốc vào năm 2030 sẽ có khả năng sống đến 90 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình khi sinh của đàn ông Hàn Quốc ước tính sẽ là 84,1.


Các nhà nghiên cứu cũng tính toán một người ở tuổi 65 vào năm 2030 có thể sống thêm bao nhiêu năm nữa. Kết quả cho thấy, phụ nữ Hàn Quốc ở tuổi 65 vào năm 2030 có thể sống thêm 27,5 tuổi.


Giáo sư Majid Ezzati (Trường Sức khỏe cộng đồng, Đại học Hoàng gia London) giải thích, trước đây, các nhà nghiên cứu từng nghĩ rằng, tuổi thọ trung bình trên 90 là điều không thể, "Chúng ta vẫn thường nghe nói là tuổi thọ trung bình của con người đã gần tới kịch trần và mức trần là 90 tuổi, nhưng nghiên cứu này chỉ ra con người có thể phá vỡ giới hạn đó. Tôi không cho rằng chúng ta đã tới điểm giới hạn của tuổi thọ trung bình".


Giáo sư Majid Ezzati cho biết, tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc ở mức cao có thể là do những nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng lúc còn nhỏ tốt, huyết áp thấp, sống trong môi trường ít khói thuốc, dễ dàng tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe và ngành y tế luôn cập nhật những kiến thức và công nghệ mới.


Phụ nữ Pháp và đàn ông Thụy Sỹ có ước lượng tuổi thọ khi sinh cao nhất tại châu Âu vào năm 2030, lần lượt là 88,6 và gần 84.


Tuy nhiên, vào năm 2030, trong số các quốc gia thu nhập cao thì người Mỹ lại có ước lượng tuổi thọ khi sinh thấp nhất: phụ nữ 83,3 tuổi và nam giới 79,5 tuổi, tương đương với tuổi thọ trung bình của người dân các quốc gia thu nhập trung bình như Croatia và Mexico. Giải thích về hiện tượng này, nhóm nghiên cứu cho biết, nguyên nhân có thể do Mỹ thiếu chế độ chăm sóc sức khỏe phổ quát cũng như tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ tử vong do bạo lực và số người bệnh béo phì cao nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao.


Năm 2030, với ước lượng tuổi thọ trung bình khi sinh là 85,3 tuổi, phụ nữ Anh sẽ xếp vị trí 21 trong bảng danh sách 35 quốc gia; còn với 82,5 tuổi, đàn ông Anh xếp vị trí thứ 14.

Thế giới tăng số người già


Nhóm nghiên cứu dự đoán, người ở độ tuổi 65 ở Anh vào năm 2030 sẽ có khả năng sống thêm 20,9 năm nữa, trong khi phụ nữ Anh cùng thời điểm sống thêm được 22,7 năm.


Nghiên cứu cũng chỉ ra khoảng cách tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ đang được thu hẹp lại. Giáo sư Ezzati giải thích: “So với nữ giới, đàn ông có lối sống kém lành mạnh hơn, vì vậy tuổi thọ trung bình của họ thấp hơn. Họ hút thuốc, uống rượu nhiều hơn, gặp nhiều tai nạn giao thông hơn và cũng bị giết hại nhiều hơn. Tuy nhiên, do lối sống của hai giới ngày càng giống nhau nên tuổi thọ của họ cũng vậy”.


Một số quốc gia khác như Nhật Bản, Thụy Điển, Hy Lạp cũng chỉ đạt mức tăng tuổi thọ trung bình ở mức khiêm tốn vào năm 2030, trong khi Macedonia và Serbia được dự đoán là có tuổi thọ khi sinh đối với nam và nữ thấp nhất.


Tuổi thọ được tính toán dựa vào việc đánh giá tuổi tử vong của người dân bởi mọi nguyên nhân, ví dụ nếu một nước có tỷ lệ trẻ em tử vong cao thì tuổi thọ trung bình của nước đó sẽ bị thấp đi nhiều, tương tự như với trường hợp một nước có nhiều người trẻ chết vì thương tích và bạo lực. 


Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Colin Mathers (WHO) giải thích: “Tuổi thọ trung bình ở các nước có thu nhập cao tăng lên do những người trên 65 tuổi sống thọ hơn bao giờ hết. Với các quốc gia thu nhập trung bình, số ca tử vong sớm – tức là những người chết trong độ tuổi 40 và 50, sẽ giảm vào năm 2030.”


Nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương pháp mới để dự đoán tuổi thọ, tương tự như các phương pháp được dùng để dự đoán thời tiết, trong đó bao gồm nhiều mô hình dự báo tử vong và tuổi thọ. Tất cả những dự đoán trong nghiên cứu này được đưa ra với một mức độ chắc chắn nhất định, chẳng hạn đến năm 2030, khả năng phụ nữ Hàn Quốc có tuổi thọ trung bình cao hơn 86,7 tuổi được dự báo với mức độ chắc chắn đến 90%, còn khả năng tuổi thọ cao hơn 90 chỉ được dự báo với mức độ chắc chắn 57%.


Lựa chọn 35 nước công nghiệp vào nghiên cứu này vì đây là những nước có dữ liệu đáng tin cậy về số người tử vong, ít nhất là từ năm 1985. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu này kèm với phương pháp mới của họ để dự đoán tuổi thọ đến  năm 2030.


Giáo sư Ezzati cho biết thêm, các kết quả nghiên cứu cho thấy, chúng ra cần suy nghĩ một cách cẩn trọng về việc tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội để hỗ trợ dân số già với những nhu cầu đa dạng về y tế. “Điều đó trái ngược với những gì đã được thực hiện trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng. Chúng ta cần nghĩ xem liệu các hệ thống lương hưu hiện tại có hỗ trợ nổi chúng ta, hay chúng ta cần cân nhắc khả năng tiếp tục làm phải việc về cuối đời,” ông nói.
https://www.tuyendungtienghan.com/search/label/Visa%20H%C3%A0n%20Qu%E1%BB%91c

Nguồn:http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Nguoi-Han-Quoc-se-song-tho-nhat-the-gioi--10491
 
Top