Bạn nên gắn bó với một công việc tối thiểu trong bao lâu trước khi quyết định nhảy việc, tìm một chân trời mới?
Một khảo sát cách đây không lâu của Anphabe đối với 26.000 người làm việc tại Việt Nam, chỉ có 13,8% nhân viên thực sự gắn kết với công ty, 46,9% nhân viên gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết.
Thực tế, những người gắn bó với 1 công ty trong hơn 10 năm từ khi tốt nghiệp đại học khá hiếm hoi. Phần lớn các công ty khó giữ chân được nhân viên giỏi và tài năng dù chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt. Thậm chí, với những người được coi là công việc ổn định khi gắn bó với 1 chỗ làm kể từ khi ra trường, họ vẫn luôn canh cánh trong lòng khi bạn bè họ liên tục đổi chỗ làm với. Những người này tự hỏi liệu sự "ổn định" của mình có phải là một bước đi tồi trong con đường sự nghiệp hay không?
Người lao động có xu hướng làm 1 công việc trong bao lâu?
Thời gian trung bình một người làm việc nhận lương thường gắn bó với chủ lao động có xu hướng giảm nhẹ từ 4,6 năm (tháng 1/2014) còn 4,2 năm (tháng 1/216), theo Cục thống kê lao động Mỹ.
Nếu bạn làm một công việc trong 4 năm, không được trả lương xứng đáng, không được đánh giá cao hoặc không thể thăng tiến, đó là quãng thời gian thật dài. Vì thế, bạn chắc chắn nên đổi việc. Nhưng trước khi xin nghỉ việc, bạn nên biết rằng, những lần bạn nhảy việc sẽ được lưu lại trong hồ sơ và ảnh hưởng đến đánh giá của nhà tuyển dụng tiềm năng của bạn.
"Nếu bạn đổi việc trong vòng 1 năm, điều đó cũng không quá tệ. Nhưng nếu bạn chỉ làm các công việc bán thời gian, không hợp đồng, kéo dài không quá 1 năm, các nhà tuyển dụng sẽ không thích điều này", James Philip người sáng lập và giám đốc điều hành của JMJ Philip Holdings cho biết. Các nhà tuyển dụng sẽ không thích những ứng viên không gắn bó lâu dài với công việc.
Bạn nên gắn bó với một công việc trong bao lâu?
Nhày việc liên tục sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của những nhà tuyển dụng tiềm năng của bạn trong tương lai.
Lý tưởng nhất, bạn nên cố gắng gắn bó với một công việc trong ít nhất 2 năm, theo chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Amanda Augustine của TopResume. "Khoảng thời gian và chi phí cần thiết để tìm được một ứng viên phù hợp, chi phí đào tạo nhân viên mới khá tốn kém, không người chủ lao động nào muốn phạm sai lầm và thấy nhân viên của họ lần lượt nghỉ việc", Augustine nói.
Bên cạnh yếu tố chi phí, vấn đề lớn khác là các nhà tuyển dụng và người quản lý tuyển dụng có thể nghi ngờ năng lực làm việc của bạn. Nếu hồ sơ của bạn liệt kê đầy những công việc ngắn hạn, gián đoạn, nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi về khả năng phán đoán, mục tiêu nghề nghiệp cũng như hiệu suất công việc của bạn.
Nếu bạn gặp khó khăn trong công việc cũ, ông chủ của bạn là một người kinh khủng, gây sự căng thẳng và ức chế nghiêm trọng nơi làm việc, hoặc đơn giản là bạn muốn thay đổi loại hình công việc khi quyết định nhảy việc thì quyết định nhảy việc là đúng đắn.
Augustine chia sẻ rằng: "Nếu tất cả các dấu hiệu đều chứng tỏ bạn đã chọn sai công việc, lựa chọn đổi việc là đúng đắn". Miễn là, nhảy việc có ý nghĩa với mục tiêu công việc tổng thể và dài hạn của bạn. Và hãy bắt đầu tìm kiếm công việc mới ngay khi bạn cảm thấy cần thiết.
Bạn cần làm gì trước khi nhảy việc?
Ảnh minh họa: The Context Of Things.
Những công việc trước đây của bạn thế nào? Hay nói cách khác, đây là lần đầu hay lần thứ 20 bạn không hài lòng với công việc? Hãy nhớ, các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những ứng viên gắn bó với công việc trong ít nhất 3 - 5 năm.
Lĩnh vực công việc của bạn chấp nhận điều gì? Mỗi lĩnh vực sẽ có đặc thù khác nhau. Lĩnh vực công nghệ, quảng cáo đòi hỏi sự năng động có thể chấp nhận việc thay đổi công việc thường xuyên hơn.
Triển vọng nghề nghiệp khi bạn nhảy việc thế nào? Nhiều người thường chọn cách tìm được một công việc mới tốt hơn mới quyết định nghỉ việc cũ. Điều đó giúp bạn có lợi thế cạnh tranh và điều kiện để thương lượng các vấn đề với nhà tuyển dụng tốt hơn. Philip nói rằng: "Bạn có thể mạo hiểm bỏ việc trước khi tìm được công việc mới, nhưng hãy nhớ rằng khi bạn không có việc làm, bạn sẽ khó thương lượng với các nhà tuyển dụng hơn".
Bạn bao nhiêu tuổi? Nếu bạn đã trở thành một chuyên gia thì các nhà tuyển dụng có thể sẽ không chú ý đến việc bạn chuyển đổi việc nhiều lần khi còn trẻ. Vì dù sao, bạn cũng đã tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp của mình.
Chuyện nhảy việc đã không còn xa lạ trong môi trường làm việc hiện đại. Luôn sẵn có rất nhiều cơ hội việc làm vẫy gọi bạn, nhưng điều quan trọng không phải là bạn có trung thành hay không với một công ty, mà chính là thái độ với công việc và những nỗ lực cống hiến của bạn cho công việc. Hãy tự hỏi bản thân về định hướng nghề nghiệp của mình, điều mình thực sự mong muốn và khả năng thực sự của mình trong công việc trước khi quyết định nhảy việc.
Theo Nhịp sống kinh tế/Businessinsider